Khi lắp đặt camera ngoài trời chúng ta thường quan tâm một số yếu tố môi trường như: trời mưa, độ ẩm, tchói sáng hoặc chống kẻ gian phá hoại…
Bài viết sau chia sẻ những kinh nghiệm lắp đặt camera ngoài trời giúp bạn chọn được loại camera phù hợp, lắp đặt đúng cách để thu được hình ảnh rõ nét, tăng tuổi thọ cho camera.
Lắp camera ngoài trời tránh tác động từ thời tiết
Nhiệt độ môi trường
Điều kiện môi trường khắc nghiệt có thể gây ra tác động xấu, ảnh hưởng đến chất lượng của camera an ninh như:
- Nhiệt độ môi trường quá cao, nóng sẽ làm camera bị quá nhiệt, chập cháy.
- Nhiệt độ môi trường quá thấp, lạnh gây tê liệt camera.
- Độ ẩm quá cao làm camera bị đọng nước. Nước có thể đi vào các vị trí tiếp điểm tín hiệu, điện gây mất tín hiệu, chập cháy bên trong.
Cách khắc phục:
Chọn camera vỏ kim loại:
Hãy yêu cầu loại camera ngoài trời có thiết kế lớp vỏ kim loại (thay vì vỏ nhựa). Vỏ kim loại sẽ giúp camera chống được các tác động của môi trường một cách tốt nhất. Trong khi đó, vỏ nhựa dễ bị nhiệt độ tác động gây rạn nứt, vỡ hỏng theo thời gian.
Lắp hộp kỹ thuật cho camera
Hộp kỹ thuật không có tác dụng bảo vệ trực tiếp cho camera, tuy nhiên khi lắp camera ngoài trời mà không có hộp kỹ thuật, thì chỉ sau 1 thời gian ngắn camera sẽ bị nhiễu tín hiệu.
Công dụng của hộp kỹ thuật camera:
- Bảo vệ các đầu nối, cục nguồn tại vị trí camera chống bị thấm nước, bị ẩm thấm hoặc côn trùng cắn phá.
- Tăng tính thẩm mỹ cho công trình, che dấu các sợi dây lòng thòng, nguồn adaptor, các đầu jack cắm kết nối như trên).
Camera có chuẩn chống nước tối thiểu là IP66
Camera chuẩn này được bảo vệ và có thể hoạt động tốt trong môi trường nhiều bụi, nước phun mạnh từ mọi hướng.
IP66 và IP67 là hai tiêu chuẩn giúp camera kháng nước, kháng bụi và hơi ẩm phổ biến hiện nay. IP67 có độ kháng nước cao hơn IP66. Vì vậy đa số khi lắp camera ngoài trời, nên chọn loại camera IP66 hoặc IP67.
Chọn vị trí lắp đặt camera ngoài trời phù hợp
Tránh đặt camera ở nơi có nắng gắt chiếu thẳng hoặc nước mưa tạt vào. Vị trí tốt nhất là lắp camera trên trần nhà, phần mái nhô ra của nhà, dưới mái che bằng tôn hoặc gạch ngói sẽ giúp camera không bị quá lộ.
Cách lắp camera ngoài trời chống kẻ xấu phá hoại
Lắp đặt camera ngoài trời có nhiều thuận lợi để quan sát các khu vực bên ngoài ngôi nhà, nhưng rất dễ bị kẻ gian trộm cắp hoặc phá hoại camera.
Một số hành động phá hoại có thể kể đến như: đập phá, ném đá làm vỡ kính camera, tạt nước bẩn, xịt sơn có màu làm mờ ống kính, cắt dây tín hiệu, tháo dỡ và lấy cắp thiết bị.
Cách khắc phục:
Chọn độ cao lắp đặt camera an ninh phù hợp
Bạn nên lắp camera cách mặt đất từ 3m để nằm xa tầm với của một người trưởng thành, nhưng vẫn có thể quan sát rõ hình ảnh bên dưới.
Chọn camera có chất liệu vỏ kim loại
Bạn nên chọn camera vỏ kim loại thay vì vỏ nhựa. Bởi vì camera vỏ nhựa sẽ nứt vỡ do thời tiết hoặc tác động ngoại lực. Bạn cũng nên chọn loại camera có dây nguồn giấu kín, tích hợp đèn chớp và còi báo động giúp nhận biết dễ dàng khi có kẻ gian phá hoại.
Cách lắp đặt camera ngoài trời tránh bị sét đánh
Những nguyên nhân chính dẫn đến camera bị sét đánh:
- Vị trí đặt camera quá gần các cột thu lôi, chống sét hoặc các cột điện, thanh chắn bằng kim loại.
- Hệ thống dây dẫn camera đi bên ngoài dài và có nhiều kim loại thép bên trong dây dẫn.
- Thiếu hệ thống chống sét (đặc biệt đối với nhà nhiều tầng)
Cách khắc phục:
Nên đặt camera tránh quá gần các cột chống sét, các đường kim loại thu lôi chạy quanh nhà, tránh các đường điện chính.
Ngoài ra nên tránh gần các cột điện, ống máng nước, máng xối, các thanh trụ kim loại…
Đảm bảo hệ thống chống sét cho tòa nhà được tiếp đất đúng tiêu chuẩn kỹ thuật (các bạn có thể thuê các đơn vị có chuyên môn để đo đạc hệ thống chống sét sau 1 thời gian sử dụng).
Hệ thống chống sét rất quan trọng, vì không chỉ bảo vệ cho hệ thống camera chúng còn giúp bảo vệ tất cả các thiết bị điện cho ngôi nhà của bạn.
Nếu có điều kiện tài chính thì các bạn nên chọn loại camera công nghệ PoE . Công nghệ PoE còn giúp tăng thẩm mỹ cho công trình và giúp công trình dễ dàng nâng cấp về sau.
PoE hiện đang là một công nghệ xu hướng hiện nay và sẽ phát triển mạnh trong những năm sắp tới.
Giảm thiểu rủi ro do các một số loại động vật gây ra
Khi lắp đặt camera ngoài trời, một số loại động vật nhỏ cũng có thể tác động, làm mờ hình ảnh mà camera thu được. Vì thế, bạn nên:
Cách khắc phục:
Dùng hoá chất:
Để hạn chế tình trạng bù hóng, mạng nhện bám bẩn xung quanh ống kính bạn nên dùng xịt thuốc diệt côn trùng xung quanh các vị trí như:
- Xịt thuốc diệt côn trùng xung quanh đường dây, ống máng điện của camera ngoài trời (vị trí này thường côn trùng, gián, bọ thường bám theo để đến camera).
- Xịt thuốc xung quanh lớp vỏ sắt của camera, và cả phần chân đế của camera.
Một bí quyết nữa để ngăn côn trùng đó là sử dụng chế phẩm Vaseline (sáp dưỡng ẩm da) để bôi xung quanh khu vực lắp đặt camera ngoài trời.
Dùng tinh dầu tự nhiên:
Sử dụng tinh dầu hỗ trợ xua đuổi côn trùng như: tinh dầu từ vỏ quýt, vỏ cam, dầu bạch đàn, mùi hoa oải hương, mùi rau húng hoặc cây bạc hà, đặt xung quanh khu vực camera để chống côn trùng.
Vệ sinh định kỳ camera:
Hãy thường xuyên vệ sinh bên ngoài camera, vệ sinh ống kính, phần vỏ, chân đế bằng các loại chổi cỏ và khăn mềm (lưu ý phần ống kính camera là nơi dễ bị trầy xước)
Lắp camera ngoài trời tránh bị ngược sáng
Lắp đặt camera ở khu vực có chênh lệch ánh sáng quá lớn hoặc ánh sáng yếu hơn so với bên ngoài sẽ làm cho hình ảnh thu được bị lóa, mờ.
Cách khắc phục:
Sử dụng camera có chế độ WDR: Chế độ này sẽ giúp chống ngược sáng và hình ảnh thu được rõ nét hơn.
Lắp đặt ở nơi không bị ngược sáng: Bạn nên đặt camera tránh xa các nguồn ánh sáng mạnh để tránh bị chói lóa, giảm chất lượng hình ảnh. Vị trí lắp đặt phù hợp là dưới sê-nô.